Đặt vé tại Sài Gòn 0934 476 522
Đặt vé tại Hà Nội 0903.295392
Liên hệ đặt vé toàn quốc 0979 765 119

Nghề thu hoạch hà đá

Với nhiều người dân ở Đồ Sơn, Cát Bà…, hà đá được coi là “lúa” của biển. Từ bao đời nay, nghề gõ hà đá đem lại nguồn thu nhập ổn định giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động địa phương.

 

Món ăn ưa thích

 

Trên các bãi biển ở khu vực đền Bà Đế, đảo Dấu, Cát Bà…, có nhiều tảng đá lỗ chỗ như tổ ong do hà bám. Theo các nhà khoa học, sở dĩ hà có thể phá được đá làm chỗ trú ngụ vì chúng tiết ra một chất dịch có tính a-xít cao làm đá mềm, sau đó, hà dùng chân và vòi làm điểm tựa rồi xoay toàn thân để lớp vỏ cứng cọ vào làm đá vỡ vụn. Nếu không có đá đục lỗ làm chỗ trú, chúng sẽ chết. Các nhà khoa học nuôi thử một số con hà trong bể nước biển không có đá. Một thời gian sau, mặc dù được cung cấp đầy đủ thức ăn, nhưng vỏ trước của hà bị khép lại, chân co vào rồi chết. Hà đá không chỉ đục được tất cả các loại đá mà còn đục được cả bê-tông, thứ đá duy nhất mà chúng chịu thua là đá hoa cương. Vì tập tính sinh hoạt này mà hà đá bị coi là “kẻ thù không đội trời chung” của các công trình ven biển như đê, kè, nhà cửa, cầu tàu, bến cảng… Không những thế, khách du lịch và người đi tắm biển rất sợ lớp vỏ sắc lẹm của nó. Nếu sơ ý bám tay hoặc giẫm chân trần lên chúng, có thể phải chịu những vết cứa rất sâu vào da thịt.

 

Có thể, với nhiều người, chúng bị coi là kẻ phá hoại và gây hại, nhưng với người dân ở Đồ Sơn, Cát Bà…, hà đá lại được coi là “lúa”, là lộc do biển đem lại. Một người chuyên đi khai thác hà đá ở khu vực bãi đá gần đền Bà Đế tâm sự, xưa kia, vào những lúc biển động không ra khơi đánh bắt tôm, cá được, ngư dân ở Đồ Sơn thường ra bãi biển bắt còng, cáy… Họ phát hiện, khi đập vỡ những tảng đá xù xì, thấy có những con nhuyễn thể to bằng đầu ngón tay. Đem về rửa sạch nấu canh chua hay xào với hành, thì là, rau răm, ăn rất ngon. Từ đó, cứ khi rảnh rỗi, mọi người lại cùng nhau ra bãi biển đập đá lấy hà về chế biến món ăn. Lâu dần, thay vì đập vỡ hà đá bằng những hòn đá nhỏ, họ nghĩ ra cách làm chiếc búa cán gỗ, lưỡi búa bằng sắt có 2 đầu, một đầu nhọn để đập vỡ vỏ, một đầu bằng để móc con hà ra. Từ đó, số lượng hà khai thác được nhiều hơn, đem ra chợ bán “đắt như tôm tươi”. Gõ hà đá dần trở thành nghề giải quyết việc làm cho nhiều gia đình địa phương. Hà đá được ví như là những “hạt lúa” của biển. Mỗi khi đàn ông ra khơi đánh bắt tôm cá, vợ, con của họ ở nhà lại cặm cụi, cần mẫn đem búa, đem xô ra thu hoạch “lúa”. Đi gõ hà đá ít khi ra về tay trắng. Được nhiều thì đem ra chợ bán lấy tiền chi dùng cho sinh hoạt gia đình, ít cũng đủ nấu bát canh chua hay xào được một đĩa thơm nức mũi…

 

Nhọc nhằn nghề gõ hà đá

 

Năm nay 52 tuổi nhưng chị Hoàng Thị Hà, ở phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn), có thâm niên 42 năm trong nghề gõ hà đá. Chị cho biết, từ năm 10 tuổi, ngoài thời gian đi học, chị thường ra bãi đá gần đền Bà Đế gõ lấy hà đem ra chợ bán. Lớn lên, lấy chồng rồi sinh con, chị vẫn tiếp tục theo nghề. Nhưng hà ở khu vực gần đền Bà Đế ngày càng ít, chị cùng mọi người phải ra đảo Dấu. Ngày nhiều có tới hơn 30 người, ngày ít thì 5-6 người lụi cụi kiếm miếng cơm, manh áo từ những hòn đá xù xì quanh đảo. Sáng, phải dậy rất sớm để chuẩn bị đồ nghề, nấu cơm cho vào cặp lồng cơm rồi nhờ tàu, đò ra đảo. Hôm nào được nhiều, khoảng 11-12 giờ trưa lại nhờ về đất liền cho kịp phiên chợ trưa. Hôm được ít, cố nán lại đến 4-5 giờ chiều.

 

Người ta đi gõ hà quanh năm nhưng mùa khai thác chủ yếu diễn ra từ tháng 11 âm lịch đến tháng 6 năm sau. Vào mùa, hà khai thác được nhiều, ngon hơn. Chỉ cần nhìn gió, người gõ hà có kinh nghiệm biết được chất lượng. Hôm nào gió Nam, hà chắc, ngọt, bán được giá. Còn gặp gió Đông, hà óp, không ngon, rất khó bán. Những ngày nước lên ngập bãi đá phải nghỉ ở nhà. Còn những ngày nước rút xuống sâu, phải đi sớm, về muộn và cầm chắc sẽ gõ được nhiều hà to, ngon. Với những người gõ hà ở đất liền không sao, nhưng với những người ra đảo Dấu, hôm nào trời mưa, bão, gió lớn…, phải nghỉ. Vì thế, tháng nào thời tiết thuận lợi, ra đảo khai thác hà được 20 ngày, còn không, chỉ ra được dăm bữa. Chị Hà tâm sự, nhìn tưởng dễ, nhưng nếu không có kinh nghiệm, vừa gõ được ít, lại vừa để lẫn sạn. Trước tiên, phải quan sát chỗ nào có nhiều hà to. Khéo léo dùng đầu nhọn của lưỡi búa gõ với lực vừa phải để lớp vỏ không vỡ vụn và không bập lưỡi búa vào mình con hà. Sau đó, dùng đầu bằng của búa nậy thân con hà nguyên vẹn ra cho vào xô.

 

Nghề gõ hà đá phải chịu nhiều rủi ro. Nhiều người gặp nạn khi bám trên những mỏm đá cao, bị trượt chân xuống biển. Còn chuyện bị xây sát chân tay xảy ra “như cơm bữa”. Bàn tay, bàn chân ai cũng chằng chịt những sẹo là sẹo. Vết sẹo cũ chưa ăn da non, vết sẹo mới đã chồng lên. Ngoài ra, do ngồi gõ nhiều, đêm nào về nằm ngủ, cũng thấy đau ê ẩm khắp mình mẩy. Về già, nhiều người bị bệnh về xương, khớp…

 

Nghề đi gõ hà đá, một ngày, nhiều được 2-3kg, ít từ  1 đến 2kg. Với giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg, cũng được coi là khấm khá. Thế nhưng, không bù đắp được bao nỗi vất vả, nhọc nhằn và hiểm nguy. Vì cuộc sống, vì yêu quê hương, bám biển, hàng chục, hàng trăm người ở Đồ Sơn, Cát Bà… vẫn hằng ngày ra thu hoạch “lúa” của biển.

 

Ngày đăng: 24/07/2014
Lượt xem: 0
Top

Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ:

Mr Dung
0979765119



Danh mục bài viết

Quý khách có thể trực tiếp liên lạc tại phòng vé