Đặt vé tại Sài Gòn 0934 476 522
Đặt vé tại Hà Nội 0903.295392
Liên hệ đặt vé toàn quốc 0979 765 119

MÓN ĂN NỔI TIẾNG XỨ "HOA PHƯỢNG ĐỎ"

BÁNH ĐA CUA

 

Đã đến Hải Phòng, khách du lịch, nhất là bạn bè gần xa đều muốn được thưởng thức bánh đa cua, để rồi nhớ mãi và mong có dịp thưởng thức thêm. Sao bánh đa cua lại hấp dẫn nhiều người đến vậy?

Một bát bánh đa cua Hải Phòng bưng tới phục vụ thực khách có đủ các sắc màu bắt mắt xanh, đỏ, vàng, trắng… Những sợi bánh đa to bản màu đỏ đất ngập trong nước cua sánh vàng. Gạch cua được phu với hành củ thơm lừng, béo ngậy lóng lánh bên trên. Cùng với đó là màu đen sậm của miếng chả lá lốt, màu vàng nhạt của viên chả thịt, màu xanh mượt mà của rau muống chần giòn và dăm dọc hành lá vừa trắng vừa xanh tỉa khéo khiến thực khách chỉ nhìn đã thấy bụng sôi ầm ầm. Thêm chút đỏ của ớt tươi cắt lát hay chút tương ớt nấu khéo theo kiểu Hải Phòng (người đất Cảng gọi là chí chương) là trọn vẹn bát bánh đa như bức tranh ẩm thực đa sắc. Người ta thường nói, một món ăn thành công phải hội tụ được cả 2 yếu tố “ngon mắt” và “ngon miệng”. Bánh đa cua Hải Phòng kết hợp được cả 2 yếu tố đó.

Và ai đó từng thưởng thức, mỗi lần đến với Hải Phòng đều rủ bạn bè đến những địa chỉ bán bánh đa quen thuộc để thỏa nỗi nhớ. Có người thích ăn bánh đa cua thập cẩm, nghĩa là trong bát có chả, có tôm, thịt chân giò thái mỏng. Song cũng có người chỉ thích thưởng thức bánh đa cua với rau muống chần hoặc rau giút để được cảm nhận hương vị nguyên chất của thịt cua, gạch cua và nước cua quyện với bánh đa đỏ đậm đà rất riêng của người đất Cảng. Như lời ai đó từng nhận xét về món ăn này, bánh đa cua không chỉ là món ăn mà còn là một bức tranh đa sắc, ẩn chứa trong ấy là sự mộc mạc, chân thành khó quên của tình người Hải Phòng.
 

CHẢ MỰC HẢI PHÒNG

 

Nếu mực sim, mực ống, mực nang thích hợp để chế biến các món tương sống như lẩu, hấp, nhồi thịt, xào, nhúng dấm… thì mực mai (mực lá) mình dày, thịt sáng, xúc tu hài mập lại là nguyên liệu chính của món chả mực.

Nét đặc biệt của chả mực Hải Phòng là được chế biến đơn giản và gần như ngay trước mặt người mua. Mực mai tươi vừa mang từ biển về được bóc bỏ mai và lớp da bên ngoài rồi rửa sạch, xắt ra thành những miếng mực tươi trắng ngần, khô ráo. Thêm vào mực vừa sơ chế ấy chút hạt tiêu, bột canh, hành hoa, thìa là, rau răm (cũng có người thích cho thêm lát ớt tươi màu đỏ thái chỉ cho món chả thêm bắt mắt) rồi cho vào giã. Khi mực được giã dẻo quánh, quyện chặt, người ta đem đựng trong những chậu lớn, có khi là cả một mâm đầy, rồi nặn thành những chiếc chả.

Muốn miếng chả đẹp, mỗi lần lặn không nên dùng quá nhiều mực giã. Lượng mực giã cho thành viên chả xinh xắn đều nhanh chỉ nhỉnh hơn quả trứng chim cút. Nhào qua, lăn lại trong bàn tay, miếng chả dẹt ra. Khi thả vào chảo dầu sôi sùng sục, nó phồng lên như bông hoa đang nở. Đảo đều tay, sao cho miếng chả vàng ươm hai mặt, dậy mùi thơm ngậy của mực tươi và gia vị. Vớt chả để ráo, không cái nào vỡ nát hoặc bị khô xác.

Ăn chả mực tùy theo sở thích trong cách kèm gia vị. Có người thích chấm với tương ớt, có người lại dùng nó với nước mắm Cát Hải pha chanh tỏi, ớt tươi. Khi đưa lên miệng, miếng chả mềm sụt, ấm chân răng, đậm đà vị ngọt thơm nguyên chất của mực, đó chính là hương vị đặc trưng của chả mực Hải Phòng

 

NỘM (GỎI) SỨA ĐỎ

 

Sứa là loài thủy sinh ruột khoang, thân hình tán, có nhiều tua, thịt dạng keo trong suốt, chứa nhiều nước, sống trôi nổi trên biển. Sứa biển chỉ có theo mùa, vào tầm tháng 3 tháng 4 mỗi năm. Sứa biển không phải là mặt hàng được bán phổ biến, bởi làm nên món sứa ngon, không phải ai cũng biết những quy trình chế biến rất phức tạp của nó.

Sứa – phải là giống sứa đỏ , thường được đặt mua ở Thủy Nguyên ( Hải Phòng). Sứa phải trải qua công đoạn chế biến mới có thể đem làm gỏi. Sứa ngâm với vỏ vẹt, lá thơm đun sôi để nguội, để hãm cho sứa không tanh và không bị khai. Làm không khéo, sứa sẽ khai nồng rất khó ăn. Người bán sứa lành nghề sẽ cho thêm chanh và quất vào chậu nước ngâm cho thêm thơm và dậy mùi.

Dấu hiệu cho biết sứa đã ăn được là khi sứa chuyển màu hồng gụ như bã trầu, trong veo, thịt mềm. Sứa được xếp thành từng lớp trong một cái chậu nhỏ, mỗi lúc có khách là chị bán hàng lại từ tốn nhấc từng con sứa ra, nhanh tay lấy con dao tre nhỏ làm từ ống cật nứa, cắt sứa thành từng miếng nhỏ tầm 2 đốt ngón tay rồi bày ra đĩa.

Đặt thêm vào một đĩa đậu Kẻ nướng cùng dừa tươi thái lát mỏng, thêm một nhúm rau kinh giới, lá bạc hà vào khay. Để sứa không tanh, nhất quyết phải dùng dao thái bằng tre, nếu không, sẽ làm mất vị của sứa, rất khó ăn. Một miếng sứa biển, một miếng cùi dừa, miếng đậu nướng với rau kinh giới tía tô, chấm khẽ vào bát mắm tôm

Mùi vị của sứa biển thanh thanh, nhạt nhạt, mát mát, gần giống như miếng thạch rau câu. Chấm thêm một ít mắm tôm cho dậy mùi, gắp thêm miếng đậu nướng bùi bùi, thơm thơm, thêm ít cùi dừa trắng phau, béo ngậy và vài lá kinh giới, tía tô cho đủ vị nhé. Chỉ thế thôi mà cuốn hút vô cùng, đã ăn rồi là không dứt ra được. Cứ ăn một lại muốn ăn hai, ăn một lần lại muốn ăn nữa, rồi nghiện lúc nào không biết.

 

CANH CÁ BỚP LÁ LỐT

 

Canh cá bớp nấu lá lốt không những là món ăn dân dã ngon nổi tiếng ở Hải Phòng mà còn có tác dụng bồi bổ rất tốt, đặc biệt là đối với phụ nữ mới sinh và trẻ nhỏ

 

Cách chế biến rất đơn giản: chỉ cần chuẩn bị ít nước cốt chanh, vài lát gừng, lá lốt; đun sôi nước, thả cá + vài lát gừng vào nêm nếm gia vị vừa ăn (cầu kì hơn có thể nấu bằng nước dùng nhưng thực sự là không cần thiết bởi bản thân khi nấu cá bớp đã tiết ra nước rất ngọt rồi), vặn nhỏ lửa cho sôi liu riu (để nước được trong) khoảng 5 phút thì cho lá lốt thái nhỏ + nước cốt chanh vào rồi bắc xuống. Ăn nóng. Ôi chao, thịt cá thơm mềm, nước thì ngọt lừ...

 

GIÁ BIỂN

 

Người ta bảo nếu đến một thành phố mới và muốn khám phá ẩm thực cũng như đời sống của người dân thành phố đó như nào thì hãy đến chợ. Ở Hải Phòng có rất nhiều khu chợ như chợ Sắt, chợ An dương, chợ Cố Đạo, chợ Lương Văn Can…

Giá biển (giá bể) là một loài nhuyễn thể, có 2 vỏ màu xanh, to bằng ngón tay nhưng ẩn chứa bên trong là một lớp thịt (giống như con hến) thơm ngọt, cùng với cọng chân trông giống như giá đỗ.

Giá bể có thể xào chua ngọt hoặc làm nộm. Mình giá bể đem xào với tỏi, thêm mắm, đường, dấm, ớt, rồi cho bột dong pha loãng vào để tạo độ sền sệt. Cuối cùng cho chân giá vào đảo, bắc ra bát rồi rắc lá chanh, ngò, củ sả thái chỉ lên trên là đã có một bát giá bể xào chua ngọt cực kì lạ miệng, thơm ngon.

 

Ăn giá bể xào chua ngọt hơi mệt vì phải nhằn từng con một nhưng thật đã bởi sự “no tròn” về vị giác do người nấu khéo tay nêm nếm, nhưng nếu bạn vẫn chưa đã mà đã lười “ nhằn” thì gọi ngay một đĩa nộm giá bể.
Nộm giá bể ăn cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm đinh lăng, lá sắn thuyền, chuối chát, dứa chua ngọt, khế xắt mỏng… chấm nước mắm chua ngọt.

 

MÓN CUỐN THỦY NGUYÊN

 

Người nào ăn món cuốn này rồi sẽ đồng ý một điều: Tết mà ăn món cuốn Thủy Nguyên sẽ cảm thấy tất cả các món ăn khác đều ngon theo.

Phải chuẩn bị cả thảy 9 loại thực phẩm để làm món cuốn này: Bún rối, rau mùi, rau xà lách (Hải Phòng gọi là rau diếp), hành củ tươi (cả cây, thật mập nhưng không được già), thịt ba chỉ luộc, trứng rán mỏng, đậu rán, giò, tôm (tốt nhất là tôm đồng loại nhỏ). Thêm nước mắm chấm nữa, tổng cộng món này đủ 10 vị và rất nhiều màu sắc.

 

Bún được cắt nhỏ khoảng 5cm; hành củ trần qua, không được chín quá; thịt, trứng, đậu, giò được thái chỉ xinh xinh như sợi bún là tốt nhất; tôm cắt râu; rau xà lách để nguyên lá, không chọn lá rách; rau mùi rửa sạch. Đó là nguyên liệu để chuẩn bị gói.
Một ít bún, một sợi giò, một sợi thịt ba chỉ, một sợi trứng, một sợi đậu, vài sợi rau mùi, một con tôm được đặt gọn gàng trong lá rau xà lách theo chiều ngang. Người ta cuốn tròn lá rau lại, rồi lấy sợi hành buộc quanh, cài gọn gàng vào.

 

Ở Thủy Nguyên, người ta thường hay làm món cuốn trong các dịp lễ tết, nhất là mùa đông, khi các lứa hành củ vào mùa. Người nào ăn rồi sẽ đồng ý một điều: Tết mà ăn món cuốn Thủy Nguyên sẽ cảm thấy tất cả các món ăn khác đều ngon theo.

 

NEM CHUA AN THỌ

 

Không chỉ nổi tiếng là vùng rau sạch truyền thống, xã An Thọ (huyện An Lão) lâu nay trở thành địa chỉ quen thuộc về món mua nem chua, - thứ nem khác hẳn với sản phẩm tương tự ở các nơi khác

 

Nem chua An Thọ nổi tiếng ở chỗ khi bỏ nem chua ra ăn, nem An Thọ tơi phần thịt và bì, chứ không nhuyễn thành thể thống nhất. Khi ăn nem chua An Thọ, cần vắt thêm chanh và cho thêm tỏi. Cách gói nem chua An Thọ cũng khác, Aau khi đong đủ định lượng thịt và bì, nem chua được gói bằng lớp vỏ lá chuối bên trong và bên ngoài là lớp giấy, giống như chiếc giò nhỏ.

Khách đến xã An Thọ được thưởng thức đặc sản nem chua của quê hương, khó thể quên được hương vị chua, ngọt, thơm, mát và dậy mùi gia vị. Càng hấp dẫn hơn khi nem chua được ăn kèm với rau gia vị trồng ở vùng rau truyền thống này.

 

GỎI NHỆCH

 

Người hay ăn gỏi nhệch vẫn thường bảo, có đi đâu về đâu, cứ qua đất Diêm Điền (Thái Bình) là có món gỏi nhệch, mà đây lại là đất nhệch, nhệch nhiều vô kể, chính vì vậy, đất nhệch Diêm Điền (vì nhiều) lại được rất nhiều người tưởng lầm là ngon. Thế nhưng, những người sành ăn thì khác, đối với họ, chỉ có nhệch ở khu vực nước lợ Đình Vũ- Cát Hải- Kiến Thụy của Hải Phòng mới là số 1. Nhệch ở đây vừa to, vừa chắc, có những con thợ câu câu được lên đến gần 2kg, nhệch này đã làm gỏi thì… miễn chê.

 

Có hai loại nhệch được bán tại Hải Phòng, đó là nhệch thịt và nhệch xương, con nhệch thịt người nhẵn tròn như lươn nhưng con nhệch xương lại có khoảng xương sống chạy dọc sống lưng, nhệch này ngon nhất chỉ có xáo chuối đậu, chứ làm gỏi, chỉ có nhệch thịt, con nhệch có màu vàng óng. Nguyên liệu để làm gỏi nhệch không cầu kỳ, toàn đồ “cây nhà, lá vườn” dễ kiếm, nhưng phải nhiều. Tính sơ sơ, làm ra món gỏi nhệch, ít nhất phải có 15 loại gia vị và rau gia vị khác nhau, nhưng nhiều nhất là giềng và bỗng rượu. Giềng để trộn nhệch còn bỗng rượu để làm nước chấm và nếu muốn ngon nữa, cần thêm chút bánh đa nem để cuốn.

 

Bát dấm bỗng chấm nấu cũng là kỳ công, vì hương liệu dành cho nó cũng phải đầy đủ: chua, cay, mặn, ngọt. Bát dấm bỗng đưa ra phải thơm hương của men rượu, nhấm thấy vị ngọt ngào, cay tê tê ở đầu lưỡi, còn vị chua thì tự thân bát bỗng đã có. Ăn gỏi nhệch, lá mơ, sắn thuyền, lá bứa, đinh lăng cần phải có đủ, cộng thêm chút rau gia vị như: mùi ta, các loại húng, khế chua, chuối xanh… Những loại rau gia vị này cho vào miếng bánh đa nem, cuộn thêm với 1 gắp gỏi nhệch trộn giềng và gia vị, cuốn lại cho chặt rồi chấm vào bát bỗng, có lẽ hiếm món gỏi nào sánh được.

Du khách gần xa về Hải Phòng, thử tìm đến những quán gỏi nhệch để thưởng thức hương vị đặc sắc của đất Cảng, nếm thử một lần, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên./.

 

 

                

 
Ngày đăng: 19/09/2014
Lượt xem: 0
Top

Hỗ trợ trực tuyến

Liên hệ:

Mr Dung
0979765119



Danh mục bài viết

Quý khách có thể trực tiếp liên lạc tại phòng vé